Hãy tự làm mới bản thân!
Mọi người đều có cơ may trở thành ai đó – và thậm chí vài ba lần. Bác sĩ Tâm lý trị liệu người Mỹ nổi tiếng Horst Conen sẽ cho bạn can đảm và bí quyết rũ bỏ tư duy cũ.
Triết lý của thời đại chúng ta có nội dung: “ Hãy làm công việc tốt nhất cuộc đời mình, ai cũng là thợ rèn số phận của chính bản thân”. Cách đây không lâu bác sĩ đã viết: “Chúng ta phải và cần liên tục tư duy đổi mới”. Liệu nó không phải là thách đố quá sức?
Sự thay đổi bản thân có thể là cần thiết, nếu chúng ta muốn, cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên trước hết tôi nhìn nó như một sự làm giàu – khả năng tuyệt vời phát triển cá tính của bản thân. Chúng ta có thể sống hạnh phúc hơn, ít sợ hãi hơn và giành thắng lợi, một khi thuần hóa được ý nghĩ: Hoàn toàn có thể liên tục tự làm mới mình.
Chúng ta có thể ít sợ hãi hơn? Bằng cách nào?
Nỗi sợ hãi xuất hiện, khi chúng ta cho rằng, trong tình huống cụ thể chúng ta không có sự lựa chọn nào khác và bản thân bị trừng phạt vì cái gì đó. Ngày nay còn làm việc, người ta thường lo sợ – liệu có tự xoay sở được với những nghĩa vụ của bản thân; doanh nghiệp sẽ phá sản; bản thân sẽ thất nghiệp; kết quả tài chính thấp hơn kỳ vọng… Những nỗi lo sợ như thế làm tê liệt chúng ta, xui khiến chúng ta sống chết ôm lấy công việc và nghề nghiệp của mình. Thế nhưng một khi tôi ý thức được rằng, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể nghĩ ra cái gì đó, tôi cũng có thể tồn tại với nghề khác, ở cơ quan khác với những năng lực khác, vậy nên – nếu nhìn lại những năng lực và khả năng của mình, tôi sẽ ít sợ hơn – trường hợp tại nơi làm việc hoặc đời tư của mình xảy ra việc gì bất ổn. Đúng như triết lý của các nhạc sĩ vùng Brema: “Có thể tìm thấy ở bất cứ đâu cái gì đó tốt hơn cái chết”.
Bác sĩ cũng viết: “Chúng ta không nên ép những khát vọng của mình theo khuôn mẫu chuẩn mực vật chất, ví như mức độ thu nhập hay bảo hiểm tuổi già. Liệu lời khuyên có lạc lõng với thế giới gần như mọi người đều thấp thỏm lo mất việc. Liệu bác sĩ có suy nghĩ theo cách trái ngược với thực tế?
Tôi viết điều đó hoàn toàn có ý thức. Bởi, nếu ai đó tự lệ thuộc duy nhất vào những mục tiêu bên ngoài trong cuộc đời – lương bổng, chế độ hưu trí, sẽ tự hạn chế bản thân rất nhiều. Anh ta sẽ bắt đầu đo được cuộc sống và khả năng của mình duy nhất theo tiêu chuẩn: Liệu bản thân có được bảo hiểm? Tất nhiên, tự bảo hiểm cuộc sống của mình là việc làm quan trọng. Tôi không có gì phản đối thành quả vật chất. Thật khó sống, khi hoàn toàn không có sự bảo hiểm vật chất. Tuy vậy tôi phản đối việc coi thành quả vật chất như mục tiêu và ý nghĩa duy nhất của cuộc đời. Bởi nếu vậy, chắc chắn sẽ có lúc tôi cảm thấy trống rỗng. Chỉ riêng sự nghiệp hiếm khi mang lại sự hài lòng. Con người không chỉ cần phải phấn đấu không chỉ vì thành công bên ngoài mà cả nội tâm. Điều đó có thể có nghĩa: Tôi sẽ không làm việc nhiều hơn, trái lại – ít hơn. Đó chính là cách sống của những người biết nhìn xa trông rộng. Tự hạn chế tham vọng bản thân để có thời gian giúp con cái trưởng thành. Nếu tôi làm việc gì đó chỉ để kiếm tiền và vinh quang, tôi đã đi lạc đường. Cuối cùng tôi buộc phải tự đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa như thế chỉ xuất hiện trong trường hợp thành quả đạt được trong lĩnh vực vật chất kết hợp hài hòa với đời sống nội tâm.
Liệu cách suy nghĩ đó có thích hợp với đối tượng phải làm việc để nuôi sống gia đình? Liệu anh ta có nên gắn bó suốt đời với vị trí làm việc có thu nhập ổn định?
Không bao giờ bắt buộc phải gắn bó suốt đời với vị trí hiện tại. Bao giờ cũng có những con đường khác, thậm chí nếu như tôi là lao động độc nhất nuôi sống gia đình và khả năng tài chính rất hạn chế. Tôi chỉ phải mở toang cánh cửa hiện thời vẫn đóng kín. Khi ấy tôi sẽ có thể nhìn vào những không gian mới, nhận ra những năng lực, tiềm năng của bản thân mà trước đó tôi hoàn toàn không hay biết, bởi tôi coi thường chính mình. Đa số mọi người chỉ đánh giá những gì bản thân học được, những công việc hàng ngày thực hiện. Thế nhưng không loại trừ khả năng còn có vô số năng lực phụ có thể dẫn dắt bản thân đến gần cái mà bản thân thực sự muốn sống trong những bối cảnh cụ thể.
Dựa vào cái gì để nhận biết, đã đến lúc cần thay đổi?
Đó là cả tập hợp nhiều biểu hiện tâm lý và thể chất, thí dụ cảm giác trở thành xa lạ. Nó có thể xuất hiện trong hôn nhân, tại nơi làm việc hoặc trong nhóm bạn bè và người quen. Những câu hỏi: “Mình làm gì ở đây?” hoặc cảm giác: “ Bản thân đã không thích hợp với công việc này” sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Con người nhận ra, bản thân đã cảm thấy không thoải mái với nơi ấy và cách thức sống trong thời điểm đó và tất cả đối với anh ta bỗng chốc trở nên không bình thường.
Cũng có những vấn đề liên quan đến cảm xúc tự thân, tự xuất hiện thí dụ như ý muốn nán chợp mắt vài ba phút trước khi đứng dậy khỏi giường (nhất là vào mùa đông). Hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm, mất ngủ, hoặc cáu giận thất thường. Hoặc có lúc ăn nhiều hơn, uống nhiều hơn, xem ti vi hoặc thả sức hòa theo các cuộc vui thú, cốt sao để không phải nhìn vào thực tại – tất cả đều có thể là dấu hiệu cho thấy, có cái gì đó bất ổn. Việc đam mê thể thao thái quá cũng có thể là triệu chứng cho thấy, người trong cuộc đã đạt tới điểm như vậy trong cuộc đời. Giống như trường hợp ai đó cảm thấy không còn thích hợp với vai trò hiện tại. Tôi là một luật sư, nữ doanh nhân, bà chủ gia đình và người mẹ, hoặc người bố, người nuôi sống cả gia đình và bỗng chốc vai trò ấy trở nên vô nghĩa. Đó cũng là dấu hiệu, cần phải có sự thay đổi. Điều đó không có nghĩa, chúng ta phải rũ bỏ gia đình hoặc từ bỏ công việc đang làm. Không phải lúc nào cũng bắt buộc sự thay đổi triệt để. Thường sự thay đổi có thể thực hiện ngay trong khuôn khổ địa bàn đang sống. Nhiều người không thích tiếp tục công việc bởi suy nghĩ, không thể làm điều trái với mong muốn của đối tác. Thế nhưng thực tế đối tác từ lâu đã chờ đợi điều đó và và vui vẻ nói rằng: Chúng ta có thể tự xoay sở, cả khi anh mang về ít tiền hơn, quan trọng nhất, là anh lại cảm thấy thoải mái.
Có lẽ đa số chúng ta e ngại sự thay đổi. Thực sự tại sao?
Sợ hãi là đề tài gắn với sự tiến hóa. Trong quá trình tiến hóa bao giờ con người cũng tự tìm chỗ dựa cho mình: Hang động, nơi không ai dễ tấn công, cây cỏ có thể sinh nhai an toàn, thú vật có thể săn bắn. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn quen nếp sống tương tự. Chúng ta tự tạo những điểm tựa có thể bấu víu trong cuộc sống. Sự thay đổi có nghĩa, những điểm tựa như thế sẽ biến mất. Bị đè nén mối hoài nghi, chúng ta không biết, liệu bản thân có tồn tại. Khi tổ tiên loài người đã làm việc gì đó phi thường, phát hiện ra địa bàn mới, tổ tiên chúng ta không biết, liệu có sống sót để trở về hang động. Có thể khẳng định rằng, tâm trạng hoài nghi sinh ra từ sự thay đổi nằm trong máu của tất cả chúng ta.
Điều đó có nghĩa: Bao giờ cũng thế – hễ đặt chân lên địa bàn xa lạ, chúng ta bắt buộc phải đối mặt với cảm giác sợ hãi?
Đúng vậy. Tuy nhiên thường xảy ra tình huống: Nỗi sợ hãi gắn với ham muốn khám phá, bởi chúng ta bị trí tò mò bẩm sinh thúc đẩy và ai cũng muốn gặt hái cái gì đó từ cuộc sống. Một khi nghĩ về sự thay đổi, bao giờ cũng ta cũng đối mặt với tâm trạng hỗn tạp: Một mặt sợ sự thay đổi đó, mặt khác – khả năng cuộc sống khác được coi là quyến rũ. Sự giằng co nội tâm kéo dài đến thời điểm đối tượng ra quyết định.
Tuy nhiên không nên coi sợ hãi như người cố vấn?
Nếu cho phép sợ hãi là cố vấn, toàn bộ cuộc đời cuối cùng sẽ trôi qua, và chúng ta sẽ hối tiếc, đã không thử nghiệm cái gì đó, khi không ít cơ hội từng xảy ra. Tôi cho rằng điều quan trọng là cần phải thử sức, thậm chí nỗ lực có thể thất bại. Điều đó có giá hơn nhiều so với thực tế suốt đời không thay đổi.
Thất bại, không bao giờ khủng khiếp như cảm giác, không bao giờ thử sức?
Chính thế. Tôi thường nhận ra đâu đó qua những bệnh nhân của mình: Cảm giác bỏ lỡ cơ hội hành hạ suốt đời. Không thể sửa chữa. Trái lại đối tượng có gan thay đổi có nhiều can đảm sống hơn và lòng tin vào sức mình, bởi đã đối mặt với khó khăn. Thất bại là một phần của cuộc sống. Nếu thời gian tôi làm việc gì đó thành công, có thể xảy ra tình huống: Lúc nào đó nhu cầu của tôi hoặc điều kiện thay đổi. Sau khi vượt qua thời khắc đó, sau thất bại hoặc bước ngoặt đời tư, có thể tôi sẽ nghĩ gì đó mới mẻ. Mỗi thất bại đều tạo ra khả năng xuất hiện sự khởi đầu mới.
Cơ chế đó có phát huy tác dụng với trường hợp người cao tuổi. Người đã nghỉ hưu có thể đổi mới suy nghĩ?
Có, chỉ phụ thuộc vào yếu tố chỉ phụ thuộc vào yếu tố: Liệu bản thân có thực sự muốn. Người cao tuổi bắt đầu làm cái gì đó mới mẻ, sẽ trẻ lâu hơn. Nghiên cứu não bộ đã chỉ ra điều đó. Thế nhưng, nếu tôi gửi cho não bộ mệnh lệnh: “Đã đến lức nghỉ ngơi” – chỉ thời gian ngắn sau đó tôi sẽ ngừng hoạt động, bởi bản thân đã đạt đến đích cuộc sống. Trạng thái nghỉ ngơi không thích hợp với nguyên lý tổ chức cuộc sống, nếu chúng ta muốn kéo dài tuổi thọ.
Nhưng cùng với tuổi tác, sự thay đổi diễn ra có khó hơn?
Thật may, từ sau 40 chúng ta có thể thay đổi dễ hơn trước đó. Với tôi – càng trẻ càng hình thành mạnh mẽ trong tôi những gì tôi đã thu gom trong quá trình đào tạo và xã hội hóa. Điều đó hướng tôi vào những hành vi cụ thể. Tuổi càng cao, tôi càng hiểu rõ mình hơn: Tại sao tôi làm điều đó như thế, tại sao bản thân là con người như vậy, tại sao tôi sợ điều đó, tại sao tôi dừng lại trước những giới hạn của bản thân, tại sao điều đó làm tôi lớn lên, tại sao tôi nhút nhát như vậy. Cùng với thời gian tôi hiểu rõ hơn, bản thân được cấu tạo thế nào và mọi chuyện xảy ra thế nào. Vậy nên từ năm 40 tuổi tôi sở hữu số lượng nhiều hơn đáng kể những khả năng phát triển cá tính của mình so với quá khứ. Và không có giới hạn trần.
Bác sĩ viết rằng, cũng không có giới hạn một cuộc đời: Chúng ta có những cuộc sống khác nhau. 7 hoặc có thể nhiều hơn? Bác sĩ hiểu thế nào về khái niệm đó?
Chúng tôi muốn mọi người ý thức được rằng, chúng ta không bắt buộc phải hài lòng với con đường sống, mà bản thân đã đặt chân. Nếu tôi đã theo học đại học luật và đã trở thành luật sư tôi không bắt buộc phải dừng lại ở đây. Chắc chắn tôi cũng có những năng khiếu khác: âm nhạc, sân khấu, thợ mộc hay năng khiếu nào khác. Qua đấy tôi muốn nói rằng, ngay khi có cảm giác không thoải mái tại vị trí của mình, không xuất hiện thách thức mới, không nhìn thấy cơ may tiếp tục phát triển, có thể đã là thời điểm thích hợp để tự tạo ra cuộc sống mới. Điều đó có nghĩa, đối tượng tự tìm cho mình công việc khác ít căng thẳng hơn, hoặc thay vì công việc bàn giấy đối tượng thích làm việc trực tiếp với con người hoặc sẽ phát triển năng khiếu nghệ sĩ hoặc tay nghề thủ công của mình. Khi tôi nói rằng, mỗi người tối thiểu có 7 cuộc đời, tôi muốn khuyến khích mọi người không dừng lại ở một hoặc hai nghề. Nếu bản thân có ít hơn con số 7, bạn có thể tự kiểm tra lại bản thân, xem mình còn bao nhiêu khả năng nữa. Tất nhiên không loại trừ khả năng thực tế có nhiều hơn 7.
Tính năng động được đánh giá cao trong xã hội chúng ta. Tuy nhiên dư luận phê phán lại cho rằng, con người hoàn toàn không biết năng động như thế và chính cuộc sống buộc con người phải năng động…
Tính năng động xã hội đòi hỏi bị áp đặt từ bên ngoài, vậy nên nó không phải là sự lựa chọn tự do. Trái lại tôi muốn khuyến khích mọi người tự mình định hướng trong phạm vi những khả năng sinh tồn của bản thân. Trong đó xung lực để khởi đầu một cuộc sống mới thường có thể xuất hiện từ bên ngoài, trường hợp thí dụ – đối tượng bất ngờ bị tai nạn lao động, hay bị buộc thôi việc. Vấn đề khi ấy là đối tượng tự hình thành cuộc sống mới.
Trong khái niệm bảy cuộc đời, mà trung bình mọi người đều có, bác sĩ có nhắc đến hiện tượng life–hopping (cuộc sống du mục). Con người nhảy từ cuộc sống này sang cuộc sống kia không khác gì nhảy từ hòn đảo Hy Lạp này sang hòn đảo khác. Liệu thực tế có đơn giản như vậy?
Nhảy từ hòn đảo này sang hòn đảo khác, con người có cơ may trong thời gian ngắn có thể chiêm ngưỡng những gì đẹp nhất, ở những địa điểm khác nhau, và nhặt về nhà những gì có thể. Tương tự chúng ta có thể hành xử với cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta và gom nhặt những vốn sống đẹp nhờ sự trợ giúp của nhiều dạng khác nhau của chính cuộc sống. Đó không phải là sự kêu gọi đến chủ nghĩa khoái lạc theo triết lý: “Hãy chỉ lấy quả nho khô từ bánh ga-tô”, vấn đề không phải như vậy. Tôi coi cá tính nhân loại như cái thùng chứa đầy của quý – những khả năng và năng lực của chúng ta. Chúng ta thường không biết gì về những của quý trong cái thùng ấy, chúng ta không biết tiềm năng của mình. Tôi muốn khuyến khích mọi người khám phá cái thùng ấy, để tận dụng nó vào cuộc sống với mức độ tối đa có thể. Đó là ý nghĩa đích thực của khái niệm life-hopping: Để hiện thực hóa tối đa những năng khiếu và khả năng, mà con người sở hữu. Lần lượt, và có thể tất cả cùng lúc.
Bác sĩ có thể cho thí dụ cụ thể về con người sống theo khái niệm về life–hopping?
Arnold Schwarzenegger có thể là thí dụ điển hình. Bắt đầu là vận động viên thể hình, bởi đó là cuộc đời đầu tiên của anh ta. Sau đó trở thành thủ lĩnh của mạng lưới phòng tập thể hình, tiếp theo khao khát thâm nhập giới điện ảnh và đã trở thành siêu sao màn bạc Hollywood. Hiện đang giữ ghế Thống đốc bang California (Mỹ). Schwarzenegger cũng là thí dụ điển hình của hiện tượng: Một người hoàn toàn có thể sống nhiều cuộc sống khác nhau. Và tất cả đều thành đạt.
Bác sĩ đã nói về life–hopping và 7 cuộc đời – với riêng bác sĩ thế nào? Bác sĩ đã hiện thực hóa bao nhiêu trong số đó?
Tôi đã trải qua nhiều cuộc đời trong cuộc sống của mình và bây giờ tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Tuy nhiên tôi đã sẵn sàng thử nghiệm một dạng mới, ngay khi cơ may xuất hiện.
Bác sĩ có thể tiết lộ thông tin sơ bộ?
Có chứ, tôi sẽ làm bố trong tương lai không xa. Đã lâu tôi khao khát điều đó nhưng suốt thời gian dài tôi buộc phải gác lại cuộc sống đó. Cuối cùng mong ước đã trở thành hiện thực.
Bài viết được trích dẫn từ: http://www.chungta.com/