Nhiều đại gia châu Á đã phải khổ sở trong một thời gian dài để thiết lập nên địa vị của mình. Không ít người trong số họ nhờ vợ và gia đình vợ đã trở nên giàu có.
Trung Quốc có một câu tục ngữ nổi tiếng nói về sự giàu có ba đời: một thế hệ làm nên gia sản, thế hệ tiếp theo giữ gìn nó và thế hệ thứ ba sẽ đánh mất nó. Kinh nghiệm thực tế trong hàng trăm năm qua chỉ ra một trình tự bốn thế hệ, trong đó thế hệ đầu tiên thiết lập một hạt nhân vốn liếng mà thế hệ thứ hai, nhờ quan hệ với giới quyền lực chính trị được cải thiện, sẽ nâng nó lên thành một tài sản lớn.
Sau đó, thế hệ thứ ba cố gắng giữ gìn một khối tài sản vô cùng đa dạng phản ánh tính cách cá nhân độc đáo và các mối quan hệ của người cha. Đến thế hệ thứ tư, vì thiếu sự chuyên tâm trong công việc này, và có sự phân rã của các mối quan hệ ban đầu mà các đế chế doanh nghiệp được xây dựng dựa trên đó – điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp dựa trên gia đình hơn là quản lý chuyên nghiệp – sẽ làm cho khối tài sản đó sụp đổ.
Câu chuyện từ nghèo khổ trở nên giàu có trong một thế hệ có lẽ là ngoại lệ. Adrian Zecha, một trùm kinh doanh khách sạn sang trọng bậc nhất của châu Á -người rất hiểu biết về các đại gia đương đại, nói: tạo ra khối tài sản khổng lồ trong một thế hệ là rất khó khăn bởi đây không phải là một xã hội kinh tế mở. “Bạn có thể làm được như vậy ở Mỹ, mức độ thấp hơn ở Anh, mức độ thấp hơn nữa vẫn có thể thấy ở lục địa châu Âu. Nhưng ở đây thì không”, ông trùm này nhận xét.
Wang Gungwu, một nhà văn sáng tác nhiều về người Trung Quốc ở hải ngoại thường trú tại Đại học Quốc gia Singapore, đồng tình: “Tôi vẫn chưa thấy một doanh nhân nào khởi nghiệp với xuất thân là người cu-li”.
Thực hư việc làm giàu của các doanh nhân Châu Á
Mặc dù vậy, như một truyền thống lâu đời, các đại gia thường thần thoại hóa nguồn gốc xuất thân khiêm tốn và cuộc đấu tranh để thoát khỏi nanh vuốt của đói nghèo của mình. Một ví dụ cổ điển là doanh nhân giàu nhất Thái Lan, và nguyên là Thủ tướng – ông Thaksin Shinawatra.
Ông tuyên bố trong một bài phát biểu tại Manila năm 2003: “Do xuất thân từ một gia đình khiêm tốn… Tôi hiểu được những khó khăn của sự đói nghèo ở các vùng nông thôn. Tôi biết được tầm quan trọng của việc đạt được phần thưởng bằng cách làm việc chăm chỉ”.
Trong thực tế, gia đình Thaksin là một triều đại tồn tại lâu đời đến từ Chiềng Mai, kinh doanh các nông trại, rồi chuyển sang tơ lụa, tài chính, xây dựng, và sau đó là bất động sản. Thaksin học tại các trường địa phương tốt nhất, sau đó là học viện quân sự, rồi kết hôn với con gái một vị tướng. Sự thăng tiến của ông qua các cấp bậc trong lực lượng cảnh sát Thái và sự nhượng bộ trong kinh doanh của nhà nước đã được rất nhiều người trong cuộc kể lại.
Tại Hong Kong, đại gia giàu nhất châu Á Lý Gia Thành , rất say sưa với danh tiếng mình là con trai của một giáo viên đến Hong Kong năm 1940 chẳng một xu dính túi. Trang web chính thức của ông tại Cheung Kong Holdings tuyên bố: “Đặt lên vai trách nhiệm chăm lo sinh kế của cả gia đình, ông Lý buộc phải nghỉ học khi 15 tuổi và tìm được công việc trong một công ty kinh doanh nhựa, nơi ông phải lao động 16 giờ một ngày. Đến năm 1950, vì tinh thần làm việc hết mình, sự thận trọng và quyết tâm theo đuổi thành công, ông xây dựng nên công ty riêng của mình. Đó là công ty Cheung Kong Industries”.
Trong thực tế, Lý đã được đi học một vài năm và sau đó bắt đầu làm việc cho người chú giàu có (gia đình đã từng sở hữu công ty Chung Nam Watch Co. ở Hong Kong). Sau đó, ông trở thành một phần của nhóm những người dẫn đầu các đại gia quan trọng, nhờ kết hôn với con gái ông chủ.
Người vợ đã quá cố của Lý, Amy Chong Yuet-ming, là em họ ông – con gái của người chú giàu có. Doanh nghiệp mà Lý làm việc trong thực tế thuộc về bố vợ ông; và những gì Lý làm được là tổ chức các hoạt động. Một bạn tình trong thời gian dài của Lý cho biết, mẹ vợ cũng giúp thêm cho ông về mặt tài chính.
Kết hôn với con gái của ông chủ không phải là không phổ biến trong quá trình phát triển của các tỷ phú châu Á. Một ví dụ nổi tiếng của Singapore là trùm tài phiệt Lý Quang Tiền. Năm 1920, Lý Quang Tiền đã kết hôn với con gái của Trần Gia Canh và trở nên thành đạt bảy năm sau đó, với tư cách là thủ quỹ trong doanh nghiệp của bố vợ trước khi tách ra thành lập doanh nghiệp của riêng mình.
Trịnh Dụ Đồng, người sáng lập công ty vận tải biển Orient Overseas Line và là thân sinh của thống đốc đầu tiên của Hong Kong sau khi trao trả thuộc địa, Đổng Kiến Hoa, có được gia sản nhờ cuộc hôn nhân với gia đình họ Khâu danh tiếng ở Thượng Hải.
Trong thế hệ hiện tại, Trịnh Dụ Đồng của tập đoàn New World cũng do hôn nhân mà có được công ty kinh doanh đồ trang sức Chow Taifook có mặt ở khắp Hong Kong.